Wir verwenden Cookies und Daten, um

Những "Hòn vọng phu" chờ chồng đi xuất khẩu lao động

Vì cuộc sống khó khăn, nhiều người đàn ông buộc phải xa vợ con, xa quê hương để đi xuất khẩu lao động những mong cuộc sống được cải thiện. Tuy nhiên, không riêng gì những người đàn ông ấy mới chịu cảnh vất vả, cô đơn nơi xứ người mà những người phụ nữ ở nhà cũng chịu muôn vàn nỗi cơ cực, thiếu thốn. Dẫu vậy, ở họ vẫn luôn giữ vẹn chữ “thủy chung”, một lòng chờ đợi ngày chồng trở về.

Đó là câu chuyện của Hương, hàng xóm nhà tôi. Hương và chồng là người nơi khác về khu phố tôi mua nhà ở đã được 5 năm rồi. Từ đó, ngày nào tôi cũng thấy cô tần tảo bươn chải để cùng chồng tích cóp trả nợ ngân hàng tiền vay mua nhà. Đó cũng chính là lí do mà 2 năm trước, anh Trưởng chồng Hương đã phải xa vợ con để đi làm nơi xứ người dù Hương đang bụng mang dạ chửa đứa thứ hai. Nay con bé đã được hơn 2 tuổi nhưng chưa từng được gặp mặt bố mà chỉ nhìn thấy trên điện thoại trong những cuộc gọi video hàng ngày.

Có lần cho bọn trẻ sang nhà tôi chơi, Hương cho biết nhờ có chồng gửi tiền về đều đặn mà cô đã trả gần hết nợ nên cuộc sống cũng thoải mái hơn so với trước đây. Chỉ có điều cô thường xuyên bị căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái, nhất là thằng bé đầu càng lớn càng ương ngạnh, mẹ nói không chịu nghe lời mà còn hỗn hào, phá phách dù mới chỉ 5 tuổi. Nhiều lúc tôi thấy Hương quát đánh con nhưng rồi lại tỏ ra mệt mỏi, bất lực vì không biết phải dạy dỗ chúng như thế nào. Tôi đoán, có lẽ vì thằng bé không thường xuyên được dạy bảo nghiêm khắc từ người cha nên mới sinh ra như vậy. Mỗi lần thấy Hương tức giận với các con, tôi chỉ biết khuyên cô nên tìm hiểu tâm sinh lý trẻ để có giải pháp uốn nắn phù hợp nhưng dường như không có kết quả. Hương vì thế mà ngày càng trở nên nóng tính, mặt mày lúc nào cũng cau có khiến cô trông như già đi trước tuổi.

Chị gái tôi ở quê cũng có hoàn cảnh phải xa chồng giống như Hương. Thế nhưng khác ở chỗ, không hiểu vì lý do gì mà gần 3 năm nay đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc, anh rể tôi rất ít khi gửi tiền về cho vợ. Có lần tôi thắc mắc hỏi thì chị cho biết là anh không yên tâm vào khả năng vun vén của vợ nên đã gửi tiền về cho bố mẹ giữ hộ, đợi khi về nước sẽ cất đất dựng nhà. Thành ra, ngoài món nợ lúc chạy vạy cho anh đi, chị phải tất bật bươn chải, thậm chí có lúc phải đi làm phụ hồ để có tiền nuôi các con ăn học. Ấy thế mà anh rể còn gia trưởng, điện về không cho chị đi làm với lý do “sợ mất vợ”, chỉ muốn chị ở nhà làm ruộng và chăn nuôi lợn gà. Tất nhiên là chị tôi không nghe nên vẫn tranh thủ làm đủ thứ nghề, khi thì đi phụ cho quán ăn, lúc lại đi nhặt ve chai hoặc là mò cua bắt ốc..., miễn là kiếm được tiền từ mồ hôi, công sức của mình.

Có lẽ vì làm lụng vất vả mà tháng trước chị tôi ốm một trận rất nặng. Chị nằm viện mà cứ lo các con ở nhà không ai nhắc nhở việc học hành. Nhìn những bệnh nhân ở các giường bên cạnh có chồng, có vợ chăm sóc, quan tâm, chị lại chạnh lòng nghĩ đến bản thân mình. Giá như những lúc như thế, anh rể gọi điện thường xuyên hơn, có lẽ chị đã không thấy buồn như vậy. Đằng này, đôi ba ngày, anh mới gọi về, cũng không thấy gửi tiền thăm vợ. Đêm nào ở trong viện, tôi cũng thấy chị khóc đến sưng cả mắt. Dù vậy nhưng tôi biết, trong thâm tâm chị vẫn luôn mong đợi một ngày nào đó, anh rể sẽ mang tiền về để xây đắp cho gia đình.

Chuyện có người vợ ở nhà chờ chồng đi xuất khẩu lao động đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Và thực tế cũng có những người phụ nữ vì xa chồng thiếu thốn tình cảm mà đã có những phút giây không giữ được mình. Có người thì dùng tiền của chồng gửi về để tiêu xài hoang phí, không có ý thức vun vén, tiết kiệm. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít, còn đa phần đều giống như Hương và chị gái tôi, luôn chỉ giành thời gian chăm sóc con cái, lo cho bố mẹ chồng và gánh vác mọi việc trong gia đình. Và họ được ví như là những “Hòn vọng phu" thời hiện đại, bởi đó chính là hiện thân của đức hi sinh và nhân phẩm cao quý, không màng đến những cám dỗ bên ngoài cũng như nhu cầu của bản thân chỉ để giữ một chữ “tình” với chồng dù có phải chịu biết bao nỗi vất vả, thiệt thòi.